Bàn chân tiểu đường là biến chứng nguy hiểm thường thấy ở người bệnh tiểu đường. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của bệnh nhân.
Mục lục
- Mối quan hệ giữa tiểu đường và bàn chân
- Bàn chân tiểu đường là gì? Các hình thái tổn thương bàn chân thường gặp
- Con đường dẫn đến biến chứng bàn chân tiểu đường
- Nhận biết dấu hiệu bàn chân đái tháo đường
- Yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành biến chứng bàn chân tiểu đường
- Phương pháp chẩn đoán, thăm khám bàn chân tiểu đường
- Điều trị hiệu quả biến chứng bị bàn chân tiểu đường
- Bảo vệ vết thương bàn chân tiểu đường với Nacurgo
- Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường
Mối quan hệ giữa tiểu đường và bàn chân
Cũng giống như các bộ phận khác trên cơ thể, bàn chân được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu và được điều khiển bởi hệ thống thần kinh. Chân là bộ phận nâng đỡ và giúp cơ thể di chuyển. Thế nhưng, bàn chân thường là bộ phận ít được quan tâm chăm sóc nhất.
Bệnh tiểu đường và bàn chân có mối quan hệ chặt chẽ. Ở bệnh nhân tiểu đường, chỉ số glucose máu tăng cao gây ra các tổn thương cho thần kinh và mạch máu. Điều này làm giảm đi khả năng đề kháng của cơ thể khi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng.
Ngoài ra, hệ thần kinh bị ảnh hưởng khiến người bệnh bị giảm cảm giác đau khi có tác tổn thương. Đây là lý do khiến những vết thương dễ bị bỏ qua và không được chăm sóc đúng cách. Hệ quả là vết thương nhiễm trùng nặng hơn, khó điều trị và gây ra tổn thương nghiêm trọng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở hầu hết vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, bàn chân là vị trí ít được chú ý và chăm sóc nên tần suất gặp phải biến chứng lớn hơn và mức độ trầm trọng thường nặng nề hơn.
Số liệu thống kê tư IDF năm 2017 cho thấy, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ phải cắt chi cao hơn từ 10 – 20 lần so với người bình thường. Tại Việt Nam, do điều kiện kinh tế hạn hẹp, nhận thức về chăm sóc sức khỏe chưa cao nên các trường hợp phải cắt chi do tiểu đường rất thường gặp.
Biến chứng bàn chân tiểu đường khiến mức chi phí điều trị của bệnh nhân đái tháo đường tăng cao, có thể gấp 5,4 – 8 lần so với bệnh nhân bình thường.
Bàn chân tiểu đường là gì? Các hình thái tổn thương bàn chân thường gặp
Bàn chân tiểu đường là tên gọi của một biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra. Tình trạng này đặc trưng bởi những tổn thương loét xuất hiện phía dưới hai mắt cá chân. Những vết loét phá vỡ cấu trúc da và gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng. Trường hợp không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị cắt cụt chi để ngăn hoại tử tiến triển.
Tùy vào giai đoạn biến chứng bàn chân tiểu đường xuất hiện mà người bệnh sẽ xuất hiện các hình thái tổn thương khác nhau:
- Tổn thương da khó lành: Đây là giai đoạn đầu của biến chứng. Người bệnh thường xuất hiện tình trạng khô ráp, nứt nẻ, bong tróc vùng da ở chân.
- Xuất hiện chai chân: Chai chân là hiện tượng tế bào da bàn chân bị sừng hóa và trở nên khô cứng. Một số người bình thường cũng gặp phải tình trạng này. Do đó, chai chân ở bệnh nhân tiểu đường thường xuyên bị bỏ qua. Đây là điểm khởi đầu trước khi các vết nứt, loét xuất hiện.
- Loét bàn chân: Tình trạng này xuất hiện khi hệ thần kinh ngoại biên của người bệnh bị tổn thương làm rối loạn cảm giác tại lòng bàn chân. Bên cạnh đó, hệ thống mạch máu bắt đầu xuất hiện tình trạng xơ vữa khiến bàn chân không được nuôi dưỡng, dễ dàng bị hoại tử và lan rộng.
- Hoại tử bàn chân: Đây là hình thái nghiêm trọng nhất của biến chứng bàn chân tiểu đường. Hiện tượng này xuất hiện sau khi những vết loét xuất hiện kéo dài mà không được điều trị đúng cách.
Có thể thấy, nhận thức đúng đắn và ý thức điều trị của bệnh nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngăn chặn sự xuất hiện và tiến triển của biến chứng bàn chân tiểu đường.
Con đường dẫn đến biến chứng bàn chân tiểu đường
Bàn chân tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nó không hình thành trong ngày một ngày hai mà phải trải qua một thời gian dài sau những tổn thương bên trong cơ thể. Các bác sĩ chia sẻ, bệnh nhân tiểu đường có thể bị biến chứng bàn chân tiểu đường do 5 con đường dưới đây.
Biến chứng thần kinh ngoại vi dẫn đến bàn chân tiểu đường
Biến chứng thần kinh ngoại vi là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến bàn chân tiểu đường. Loại biến chứng này được phân nhỏ thành 3 yếu tố, bao gồm:
- Biến chứng thần kinh cảm giác ngoại vi: Yếu tố này chiếm khoảng 82% các trường hợp loét bàn chân do tiểu đường có biến chứng thần kinh ngoại vi. Tổn thương tại các dây thần kinh cảm giác khiến người bệnh mất đi cảm giác đau, không điều chỉnh được áp lực phù hợp lên bàn chân khiến mức độ tổn thương ngày càng trầm trọng.
- Biến chứng thần kinh vận động ngoại vi: Tình trạng này khiến hệ thống gân cốt và cơ quan nhỏ ở bàn chân bị teo và suy yếu. Từ đó, cấu trúc bàn chân và các khớp bị thay đổi. Thay đổi này làm giảm khả năng chống sốc và làm gia tăng áp lực lên bàn chân. Lâu ngày, bệnh nhân gặp phải các tổn thương nhỏ và tiến triển sang loét.
- Biến chứng thần kinh tự động ngoại vi: Đây là nguyên nhân làm giãn động mạch nhỏ và tĩnh mạch bàn chân làm ảnh hưởng đến khả năng điều khiển của rễ thần kinh đến các tuyến mồ hôi ở chân. Lâu ngày, bệnh nhân bị khô da, giảm đàn hồi gây ra các vết rạn, nứt.
Bệnh động mạch ngoại vi
Ở bệnh nhân tiểu đường, nồng độ của nitric oxide nội mô bị giảm, các yếu tố co mạch tăng cao dẫn đến tăng trương lực của thành mạch và phì đại tế bào cơ trơn. Đây là điều kiện thúc đẩy hình thành xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Bên cạnh đó, tiểu cầu của bệnh nhân tiểu đường tăng bộc lộ các receptor glycoprotein Ib, IIb/IIIa khiến các cục máu đông dễ hình thành trong lòng động mạch.
Tất cả những yếu tố trên khiến động mạch ngoại vi bị tổn thương, giảm khả năng tưới máu tới bàn chân, giảm hoạt động của hệ miễn dịch tại vết thương. Hậu quả là da bàn chân dễ bị tổn thương và các vết loét khó liền khiến biến chứng bàn chân tiểu đường trở nên nghiêm trọng.
Nhiễm trùng bàn chân
Nhiễm trùng bàn chân xuất hiện ngay khi các vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức dưới da. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn bởi đa dạng các loại vi khuẩn như: vi khuẩn gram dương, vi khuẩn gram âm, vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí.
Đa số các vi khuẩn thường phối hợp với nhau để đạt đến số lượng ≥ 104 CFU/g sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng tại mô tổn thương. Tuy nhiên, với một số vi khuẩn có độc lực mạnh như liên cầu β-tan máu thì chỉ cần số lượng đạt đến 102 CFU/g mô là có thể gây nhiễm trùng. Bên cạnh số lượng, độc lực của vi khuẩn cũng là yếu tố quyết định mức độ nhiễm trùng ở bệnh nhân.
Sau khi xâm nhập vào vết thương, các vi khuẩn liên kết tạo màng sinh học trên ổ loét để ngăn chặn tác động của các thuốc điều trị tại chỗ. Ngoài ra, các vi khuẩn cũng di chuyển theo các khoang cứng tại bàn chân để mở rộng vùng nhiễm trùng. Bên cạnh đó, sự giảm tưới máu đến các vùng tổn thương khiến hệ miễn dịch suy giảm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.
➤ Đọc chi tiết hơn: Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường – không thể lơ là chủ quan
Hạn chế vận động khớp
Một giả thuyết được đưa ra là glucose máu tăng cao khiến tế bào tăng stress, oxy hóa và làm tăng các sản phẩm tận của quá trình glycosyl hóa. Những chất này lắng đọng vào tổ chức collagen và làm dày các cấu trúc xung quanh khớp như gân, dây chằng, bao khớp. Bên cạnh đó, hạn chế vận động làm giảm khả năng chống sốc của bàn chân khi tiếp xúc với các bề mặt khác nhau. Tình trạng này làm gia tăng áp lực ở gan bàn chân và thúc đẩy các ổ loét hình thành.
Yếu tố ngoại sinh
Một số yếu tố khác cũng thúc đầy hình thành biến chứng bàn chân tiểu đường như: Kích thước giày dép quá chật, không được vệ sinh định kỳ, bàn chân không được vệ sinh và chăm sóc đúng cách,… cũng là nguyên nhân thúc đẩy hình thành biến chứng bàn chân tiểu đường.
Nhận biết dấu hiệu bàn chân đái tháo đường
Biến chứng bàn chân tiểu đường xuất hiện từ từ và diễn tiến thầm lặng. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần phải quan sát kỹ đế phát hiện những bất thường ngay từ giai đoạn sớm. Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang có nguy cơ gặp phải biến chứng bàn chân tiểu đường như:
- Chân bị tê bì, mất cảm giác như đang đeo tất, mất cảm giác đau, mất cảm giác nóng lạnh.
- Bị mất thăng bằng khi nhắm mắt
- Cảm thấy rát bỏng, đau như kim châm, kiến bò, kiến cắn, tăng nhạy cảm khi sờ nắn.
- Da chân thay đổi màu sắc
- Nhiệt độ da chân trở nên lạnh hoặc nóng hơn bình thường
- Xuất hiện tình trạng sưng ở bàn chân hay mắt cá chân kèm cảm giác đau chân
- Vết thương hở ở bàn chân lâu lành hoặc xuất hiện tình trạng rỉ nước.
- Móng chân bị mọc ngược vào trong hoặc nhiễm nấm
- Gót chân xuất hiện các vết chai, vết khô nứt.
- Xuất hiện mùi hôi chân dù đã vệ sinh kỹ càng.
- Biến dạng ngón chân cái. Ngón chân cái nghiêng về phía các ngón chân nhỏ nhiều hơn bình thường.
- Xuất hiện tình trạng ngón chân khoằm khi có từ một hoặc hai ngón chân nhỏ bị cong bất thường.
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu này, bệnh nhân tiểu đường nên chủ động thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp xử trí đúng cách.
Yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành biến chứng bàn chân tiểu đường
Biến chứng bàn chân tiểu đường có thể xuất hiện ở bất cứ bệnh nhân tiểu đường nào. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành biến chứng này hơn. Cụ thể:
- Yếu tố dinh dưỡng: Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân có biến chứng tiểu đường nặng thường có chỉ số BMI dao động trong khoảng 21 – 24. Trong khi đó, những bệnh nhân loét nhẹ hơn có BMI dao động từ 22,52 – 26,17. Theo đó, các chuyên gia phát hiện ra, bệnh nhân tiểu đường bị suy dinh dưỡng là yếu tố có nguy cơ cao gây xuất hiện hoặc nặng thêm tình trạng bàn chân tiểu đường. Khi thiếu dinh dưỡng, cơ thể không cung cấp được các yếu tố cần thiết cho hoạt động hình thành tổ chức hạt và biểu mô hóa vết loét. Do đó, vết loét lâu lành và tiến triển nặng hơn.
- Giới tính: Nhiều nghiên cứu cho thấy, biến chứng bàn chân tiểu đường gặp nhiều ở nam hơn so với nữ.
- Glucose máu tăng cao: Không kiểm soát được nồng độ glucose máu là một trong những yếu tố thúc đẩy hình thành loét bàn chân, tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm nặng hơn mức độ tổn thương. Một số nghiên cứu cho thấy nhóm bị loét bàn chân nặng có chỉ số HbA1c trung bình là 10,89 ± 2,05 trong khi đó, chỉ số HbA1C ở bệnh nhân nhẹ chỉ là 9,09 ± 1,82. Tương tự, glucose máu bất kì ở nhóm loét mức độ nặng là 16,19 ± 8,17 còn ở nhóm loét nhẹ là dao động trong khoảng 11,41 ± 5,88. Qua đó thấy được glucose máu là yếu tố nguy cơ làm tăng thêm mức độ nặng của tổn thương loét bàn chân.
- Tổn thương động mạch ngoại vi: Hệ thống động mạch ngoại vi có vai trò cung cấp máu nuôi dưỡng bàn chân. Do đó, khi động mạch ngoại vi bị hẹp, tắc hoặc tổn thương sẽ khiến dinh dưỡng không đến được bàn chân và tăng nguy cơ biến chứng bàn chân tiểu đường.
Những yếu tố nguy cơ trên có thể phát hiện thông qua khám lâm sàng hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần tái khám đúng lịch và theo dõi sát sao các chỉ số để nắm được tình trạng sức khỏe của mình.
Phương pháp chẩn đoán, thăm khám bàn chân tiểu đường
Để chẩn đoán biến chứng bàn chân tiểu đường, bệnh nhân cần được: Khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
Khám lâm sàng
Đây là bước khám lâm sàng đầu tiên giữa bác sĩ và người bệnh. Thông qua khai thác bác sĩ xác định các vấn đề như:
- Khai thác tiền sử và tìm hiểu nguyên nhân gây loét
- Thời gian phát hiện tiểu đường
- Quá trình kiểm soát glucose máu
- Tiền sử mắc các biến chứng do tiểu đường gây ra.
- Các triệu chứng lâm sàng hiện tại như: tê bì, mất cảm giác ở chân, rối loạn cảm giác nóng lạnh, biến dạng hình dạng ngón chân, khô da, nứt kẽ, phù chân,….
- Phương pháp chăm sóc bàn chân của bệnh nhân trong thời gian trước đó
Dựa trên các thông tin có được, bác sĩ có thể định hình được tình trạng hiện tại của bệnh nhân, đồng thời đưa ra các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để xác định nguyên nhân loét và mức độ bệnh ở thời điểm hiện tại.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Có 3 loại xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán bàn chân tiểu đường, bao gồm:
- Xét nghiệm chẩn đoán biến chứng thần kinh ngoại vi: Các bác sĩ sử dụng bảng điểm sàng lọc Michigan để đưa ra chẩn đoán. Bảng sàng lọc gồm 15 câu hỏi, trong đó 13 câu về biến chứng thần kinh ngoại vi do đái tháo đường, 1 câu về yếu cơ chung và 1 câu về bệnh động mạch ngoại biên. Nếu kết quả kiểm tra của bệnh bệnh nhân ≥ 2/8 điểm, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán có biến chứng thần kinh ngoại vi. Ngoài ra, một số bác sĩ còn sử dụng bảng điểm phân độ Michigan để thay thế. Nếu bệnh nhân có kết quả ≤ 6 điểm thì được chẩn đoán là bình thường, đạt 7 – 12: có tổn thương nhẹ, đạt 13 – 28 điểm: có tổn thương vừa, đạt 29 – 46 điểm: tổn thương nặng
- Xét nghiệm chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi: Bác sĩ xác định tỉ số chỉ số huyết áp động mạch tại cổ chân và cánh tay (chỉ số ABI). Kết quả được đánh giá như sau: Nếu ABI > 1.4: Thành mạch xơ cứng, ABI từ 1.0 – 1.3: Thành mạch bình thường, ABI từ 0.99 – 0.91: Bệnh nhân có nguy cơ, ABI từ 0.71 – 0.90: biến chứng mức độ nhẹ, ABI từ 0.41 – 0.70: Biến chứng mức độ vừa, ABI < 0.40: Biến chứng mức độ nặng. Ngoài xét nghiệm này, bệnh nhân có thể được chỉ định: Siêu âm doppler mạch hai chi dưới, chụp cộng hưởng từ mạch máu và chụp CT-scanner mạch máu hoặc chụp mạch cản quang
- Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng bàn chân: Chủ yếu sử dụng kỹ thuật lấy bệnh phẩm xác định vi sinh vật gây loét. Các bác sĩ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm bằng cách: chọc hút mủ ổ áp xe, cắt mô bệnh phẩm vị trí nền vết loét, sinh thiết mô sâu hoặc sinh thiết xương nhiễm trùng. Sau khi có mẫu bệnh phẩm, kỹ thuật viên bệnh viện tiến hành nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn và kháng sinh đặc hiệu. Phương pháp này không cần thiết áp dụng với những trường hợp bị loét nhưng không nhiễm trùng. Bên cạnh xét nghiệm này, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp X – quang bàn chân, xét nghiệm công thức máu, máu lắng, protein C phản ứng, pro-calcitonin và cấy máu khi có sốt cao.
- Đo diện tích ổ loét: Có thể thực hiện bằng phương pháp đo Carie Sussman hoặc dùng máy đo kỹ thuật số. Trong đó, phương pháp đo máy sẽ cho kết quả chính xác và khách quan hơn. Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này cũng đắt đỏ hơn.
- Phân loại mức độ loét bàn chân: Dựa trên phương pháp phân loại Meggitt – Wagner. Phương pháp này đánh giá vết loét dựa trên độ sâu và mức độ lan rộng của tổn thương. Theo đó, mức độ loét bàn chân tiểu đường được chia thành 5 độ như sau: Độ 0 khi bàn chân bệnh nhân không có vết thương hở nhưng có biến dạng hoặc viêm mô tế bào. Độ 1 khi có xuất hiện loét nông. Độ 2 khi có loét sâu vào gân hoặc bao khớp. Độ 3 khi loét sâu kèm áp xe, viêm xương tủy hoặc viêm khớp có nhiễm trùng. Độ 4 khi xuất hiện hoại tử khu trú tại ngón chân hoặc gót chân. Độ 5 khi hoại tử lan rộng toàn cẳng chân.
Điều trị hiệu quả biến chứng bị bàn chân tiểu đường
Để điều trị hiệu quả biến chứng bàn chân tiểu đường, bệnh nhân cần phối hợp đồng thời nhiều phương pháp điều trị và tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ.
Phác đồ điều trị biến chứng bàn chân tiểu đường thường bao gồm các phương pháp sau:
Cắt lọc vết loét
Mục đích của việc cắt lọc vết loét là làm giảm tải tổn thương mở rộng và thúc đẩy thời gian làm lành tổn thương. Sau khi cắt lọc, các tổ chức hoại tử, dị vật , vi khuẩn và các tế bào già yếu sẽ bị loại bỏ. Nhờ đó, hoạt động tự tái tạo của cơ thể thúc đẩy diễn ra nhanh hơn. Phương pháp cắt lọc được áp dụng gồm có: Cắt lọc bằng men, cắt lọc cơ học, cắt lọc bằng hoá chất hoặc sử dụng dòi sinh học.
Sử dụng thuốc điều trị nhiễm trùng
Là phương pháp sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Việc lựa chọn kháng sinh cần dựa theo kháng sinh đồ hoặc mức độ loét bàn chân:
- Tổn thương loét bàn chân nhẹ: Thường do các loại vi khuẩn thường gặp là tụ cầu vàng, liên cầu beta tan huyết. Thuốc điều trị phù hợp trong trường hợp này là nhóm penicillin như: dicloxacillin, cloxacillin, flucloxacillin,…hoặc nhóm cephalosporin thế hệ 1 như: Cephalexin. Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin cao thì chuyển sang dùng các kháng sinh như: linezolid, trimethoprim- sulfamethoxazole, hoặc doxycycline.
- Loét bàn chân mức độ vừa: Thường do các cầu khuẩn gram âm, các trực khuẩn gram âm hiếu khí và kị khí. Kháng sinh phù hợp trong trường hợp này là nhóm fluoroquinolone như: ciprofloxacin, levofloxacin, hoặc moxifloxacin,.. hoặc clindamycin hoặc penicillin.
- Loét bàn chân mức độ nặng: Cần xử lý cấp cứu và điều trị kháng sinh theo đường tĩnh mạch. Kháng sinh thường được chỉ định trong các trường hợp này gồm có: nhóm carbapenem như: Imipenem – cilastatin hoặc meropenem hay nhóm penicillin kháng trực khuẩn kèm ức chế beta-lactamase như: piperacillin- tazobactam.
Tưới máu ổ loét
Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp biến chứng bàn chân tiểu đường có kèm bệnh động mạch chi dưới. Để thực hiện tưới máu ổ loét, bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối mạch máu và điều trị can thiệp nội mạc mạch máu. Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ, vị trí tổn thương và khả năng đáp ứng của bệnh nhân để đưa ra chỉ định phù hợp.
Giảm tải ổ loét
Phương pháp này giúp giảm tải áp lực cho bàn chân, từ đó giúp tổn thương tại bàn chân nhanh lành hơn. Để áp dụng cách điều trị này, bệnh nhân cần sử dụng đến khung nẹp tháo rời hoặc giày giảm tải để giảm tải áp lực cho bàn chân.
Cắt chi
Là phương án cuối cùng khi các phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả. Cắt chi được áp dụng trong những trường hợp:
- Nhiễm trùng bàn chân đe dọa tính mạng người bệnh
- Tắc mạch thứ phát tiếp tục phá hủy bàn chân mà tái tưới máu không thể giải quyết được
- Bệnh nhân đã có tổn thương viêm xương
Bảo vệ vết thương bàn chân tiểu đường với Nacurgo
Ở người bình thường, một vết thương nhỏ có thể tự động lành lại sau vài ngày mà không cần can thiệp gì. Tuy nhiên, bệnh nhân có biến chứng bàn chân tiểu đường có hệ miễn dịch kém và lưu lượng tưới máu thấp thì phải mất đến vài tuần, thậm chí lâu hơn. Do vậy, việc chăm sóc và bảo vệ vết thương đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nacurgo là dung dịch xịt giúp tạo màng sinh học bảo vệ vết thương được nhiều bệnh nhân có bàn chân tiểu đường lựa chọn. Khi sử dụng xịt sản phẩm lên vùng da bị thương sẽ tạo ra một lớp màng mỏng Polyesteramide có tính chống thấm nước, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn đặc biệt là khả năng tự phân hủy. Bên cạnh đó, tinh chất nghệ nano Cucurmin và tinh chất trà xanh phân tán đều trong dung dịch cho tác dụng sát khuẩn, chống viêm, kích thích sự tăng sinh của tế bào từ đó thúc đẩy vết thương nhanh lành hơn.
Nacurgo là sản phẩm ứng dụng thành công phương pháp băng vết thương dạng xịt.
Với những vết thương nông chưa cần can thiệp y khoa quá nhiều nên dùng xịt Nacurgo băng vết thương thay thế cho các loại băng gạc vật lý thông thường. Điều này giúp vết thương được thông thoáng hơn, giúp vết thương được thở, lưu thông tốt và mau lành. Đặc biệt là hạn chế được tổn thương và đau đớn cho người bệnh khi phải thay băng gạc bởi tính năng tự phân hủy sau 4-5 tiếng.
Sản phẩm dung dịch xịt Nacurgo được sản xuất và phân phối trực tiếp bởi Dược phẩm Newtech Pharm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua sản phẩm tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Mọi khó khăn trong quá trình tìm hiểu và mua sản phẩm, khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Newtech Pharm qua Hotline: 1800 6626.
Để tìm mua Nacurgo bạn có thể liên hệ các nhà thuốc phân phối trên toàn quốc “TẠI ĐÂY”
Hoặc đặt hàng online giao tận nhà “TẠI ĐÂY”
Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường
Lời kết
Trên đây là tổng hợp kiến thức về biến chứng bàn chân tiểu đường. Hy vọng bài viết đã giúp bạn nhận định được tình trạng của mình và lựa chọn được hướng giải quyết phù hợp. Mọi thắc mắc về tình trạng bệnh hay phương pháp điều trị nên được tham vấn bởi bác sĩ chuyên môn. Chúc bạn mau lành bệnh!
Nguồn tham khảo
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4692890/
https://www.medscape.com/answers/117739-42453/what-are-complications-of-diabetic-foot-disease
https://sdh.hmu.edu.vn/images/LEBANGOC-LAnoitiet33.pdf